Sóc Trăng có chỉ số cải cách hành chính cao nhất đồng bằng sông Cửu Long
Theo kết quả công bố tại Hà Nội của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, chỉ số CCHC tỉnh Sóc Trăng năm 2021 đạt kết quả hết sức phấn khởi. Theo đó, có 7/8 chỉ số thành phần trong chỉ số CCHC tăng điểm, trong đó chỉ số tăng nhiều nhất là chỉ số thành phần về công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, tăng 10,22%; tiếp theo đó là chỉ số thành phần về CCHC công tăng hơn 8%; chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính tăng hơn 7%. Ngoài ra, các chỉ số thành phần còn lại đều tăng nhẹ gồm: xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách tổ chức bộ máy; hiện đại hóa hành chính; tác động của công tác CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy. Cùng với việc tăng tỷ lệ điểm chỉ số CCHC thì tỷ lệ hài lòng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về phục vụ hành chính công của tỉnh Sóc Trăng năm 2021 cũng chuyển biến rõ nét, tăng 0,84% so với các năm liền kề. Đây có thể nói là kết quả nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong một thời gian dài.
Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: K.N
Khi bước sang chặng đường mới trong chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CCHC đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời đối với công tác CCHC. Các ngành, các cấp đã tích cực triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ của các đơn vị. Trong năm qua, tỉnh Sóc Trăng không ngừng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, văn hóa công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Đồng thời, tỉnh còn tăng cường kiểm tra siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành thường xuyên chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khuyến khích các đơn vị tích cực rút ngắn thời gian giải quyết và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tăng các tiện ích trong cung cấp dịch vụ hành chính công, hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức thuận tiện khi giao dịch với cơ quan hành chính. Cụ thể, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, bưu chính công ích, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mang lại sự hài lòng hơn cho người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, tỉnh Sóc Trăng cũng quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng các cấp chính quyền trong tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, ngụ ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi đến làm thủ tục nhượng một phần diện tích đất cho con. Lúc trước, nhiều người trong xóm khi đi làm các thủ tục hành chính về đất đai, thủ tục rất phức tạp, thời gian chờ đợi thường kéo dài nhiều ngày, nên rất ngán ngại đi làm. Nhưng giờ thủ tục đã đơn giản, rút ngắn, không phải đi lại nhiều lần, cán bộ viết giấy hẹn ngày trả và gửi về theo đường bưu điện rất thuận tiện cho người dân, tôi thấy rất hài lòng với phương pháp làm việc của cán bộ, công chức bộ phận 1 cửa của xã Thuận Hòa này”.
Kết quả chỉ số CCHC và chỉ số hài lòng của các cá nhân, tổ chức về sự phục vụ hành chính của tỉnh năm 2021 là một động lực quan trọng để tỉnh Sóc Trăng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nâng cao chỉ số CCHC và chỉ số SIPAS đã đề ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 29-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về đẩy mạnh CCHC đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Trần Phước Vĩnh - Giám đốc Sở Nội vụ Sóc Trăng cho biết: “Trong thời gian tới, mục tiêu và nhiệm vụ của tỉnh Sóc Trăng còn rất nặng nề, tại Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đề ra chỉ tiêu đó là phấn đấu đến năm 2025 xếp chỉ số cải cách thủ tục hành chính vào nhóm khá của cả nước, trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Từ năm 2026, mỗi năm tăng tối thiểu 1 bậc cho đến năm 2030. Về mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90% vào năm 2025 và đạt tối thiểu 95% vào năm 2030. Do đó, Sở Nội vụ với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu CCHC, sẽ phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo CCHC triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác CCHC của tỉnh. Ngoài ra, thực hiện nhất quán phương châm CCHC có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ, toàn diện trên tất cả 6 lĩnh vực CCHC. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, học tập và tìm kiếm, vận dụng nhiều mô hình mới, cách làm hay trong CCHC, nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chương trình tổng thể cải cách thủ tục hành chính giai đoạn mới”.
Công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức về CCHC và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ngày càng nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề, động lực để tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, quyết tâm vươn lên nhiều bậc nữa về CCHC trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Sóc Trăng